Thực trạng nghề vệ sĩ ở Việt Nam hiện nay

Vệ sĩ bất đắc dĩ

Những năm gần đây, loại hình kinh doanh dịch vụ bảo vệ phát triển khá rầm rộ. Bên cạnh những công ty hoạt động rất chuyên nghiệp, bài bản cũng có hàng loạt công ty mở ra với mục đích tư lợi. Đó chính là lý do khiến thị trường Dịch vụ bảo vệ trở nên bát nháo. Nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng lợi nhuận mà không trang bị đầy đủ những kiến thức cần thiết. Chất lượng vệ sĩ bị thả nổi, vô hình trung trở thành mối nguy cho xã hội.

“Vệ sĩ nửa ngày”

Nghe người ta bảo nhau, chắc là do cung nhiều hơn cầu nên các Công ty Dịch vụ bảo vệ đua nhau tuyển người. Nhiều doanh nghiệp thông báo tuyển một lúc ba đến bốn trăm nhân viên, mà hình như chương trình tuyển dụng này kéo dài đến cả năm. Cầm trên tay tấm card visit của Công ty bảo vệ – vệ sĩ T.T (quận 12) tự cho là Công ty bảo vệ hàng đầu tại Việt Nam, chúng tôi bấm máy gọi.

– Alô, Công ty bảo vệ T.T xin nghe.
– Chị ơi, nghe nói ở đây đang tuyển vệ sĩ, em muốn xin việc.
– Ai giới thiệu em biết công ty này?
– Dạ, người quen ạ.
– Được rồi, em cứ mang hồ sơ xin việc đến công ty chị sẽ tư vấn.
– Nhưng có yêu cầu gì không chị? Em chỉ cao có 1m55?
– Thế là được rồi…

Vài ngày sau, chúng tôi đến tận công ty để được tư vấn rõ ràng. Tiếp chúng tôi, nhân viên ở đó chỉ hỏi vài câu qua loa. Dù ban đầu phía công ty yêu cầu phải có hồ sơ xin việc, nhưng trong lần gặp ấy, họ bảo chúng tôi chỉ cần mang CMND đến thì công ty sẽ làm thủ tục ngay, hồ sơ có thể bổ sung sau. Đem chuyện có vài đứa cháu đang thất nghiệp cũng muốn xin làm bảo vệ nhưng có chiều cao khiêm tốn, cô nhân viên không ngần ngại trả lời, chỉ cần cao 1m50 là đủ chuẩn nộp đơn xin việc ở đây. Cứ có hồ sơ là sẽ có việc ngay, mức lương thử việc 2,5 triệu đồng cho người chưa có kinh nghiệm, hơn 3,7 triệu đồng cho người đã từng làm vệ sĩ ở một công ty khác với ca 12 tiếng.

Ngày hôm sau, chúng tôi trở lại Công ty T.T với CMND trên tay. Theo công ty, đây cũng là vòng phỏng vấn. Nhưng thực chất phía họ cũng không hỏi gì nhiều. Điều mà họ quan tâm là chúng tôi có đồng ý đi làm hay không để họ hoàn tất thủ tục nhận người. Sau cái gật đầu, nhân viên công ty đưa chúng tôi ba tờ giấy bảo ký vào, đây là giao kèo giữa công ty với người lao động. Liếc qua, chúng tôi thấy thời gian đào tạo vệ sĩ ghi trên giấy là một tháng. Lấy lý do chưa mang đủ tiền, chúng tôi chỉ mua trước một bộ đồ vệ sĩ (300 ngàn đồng, nếu mua hai bộ thì 500 ngàn đồng). Lúc ấy, cũng có một số vệ sĩ vừa mới được nhận việc đang ngồi nghe hướng dẫn quy trình làm việc, chấm công tại mục tiêu. Hai anh chàng vệ sĩ ấy cũng có dáng người bé xíu đang tẩn ngẩn nhìn theo người hướng dẫn vẽ rồng rắn trên trang giấy trắng. Sau khi hoàn thành thủ tục ban đầu, họ đưa chúng tôi bộ đồ vừa mua. Khi biết chúng tôi muốn được đi làm gấp, họ nhắn nhủ: “Nếu chiều nay quay lại để công ty đào tạo thì sáng mai sẽ được phân bổ công việc làm ngay”.

Cơn mưa chiều đổ ập xuống xua tan cái nắng hanh hao giữa phố thị. Đúng hai giờ chiều, chúng tôi có mặt tại Công ty T.T trong bộ đồ vệ sĩ size nhỏ nhất để bắt đầu chương trình đào tạo. Khi thấy chúng tôi, họ chỉ ngồi một góc bàn và đưa hai quyển sách để “ngâm cứu”. Một quyển liên quan đến luật lao động, quyển còn lại là giáo trình nghiệp vụ đào tạo bảo vệ của công ty. Lật nhanh, trong vòng nửa tiếng chúng tôi ra dấu hiệu đã đọc xong và hiểu vấn đề. Dẫu anh nhân viên bảo phải đọc kĩ để lát nữa còn trả lời nhưng khi thấy thái độ nôn nóng của chúng tôi, anh cũng hỏi vài câu cho có lệ. Thế là xong quy trình đào tạo, phần còn lại chỉ là cách hướng dẫn chấm công tại mục tiêu. Thời điểm ấy, cũng có vài người đến xin việc là những người đàn ông khá lớn tuổi. Trong khi đang ngồi chờ, chúng tôi nghe lỏm được câu chuyện của nam nhân viên (người đang tiếp chuyện với tôi) quát lớn với người ở đầu dây bên kia qua điện thoại: “Phải bảo người đã có kinh nghiệm làm bảo vệ, sao lại khai là sinh viên?”. Cùng lúc ấy, một cô vệ sĩ trẻ tuổi cao chưa đến 1m50 với thân hình tròn trịa bước vào xin đổi ca 12 tiếng sang 8 tiếng vì “mục tiêu” lúc nào cũng bị quay bằng camera, không thể đứng mãi được chừng ấy thời gian.

Nói chung, chỉ mất chưa đến 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã nhận được giấy giới thiệu sang một Công ty V. làm bảo vệ. Trước khi ra về, nhân viên công ty còn dặn dò, nếu ai có hỏi cứ bảo là “em đã có kinh nghiệm làm việc này và được đào tạo bài bản rồi nhé”. Thế là tôi trở thành “vệ sĩ”.

Sáng hôm sau, chúng tôi mang giấy giới thiệu đến Công ty V. để ra mắt. Công việc được phân bổ ngay. Thật ra nghề này công việc cực kỳ nhàn hạ, chỉ có điều phải luôn trong tình trạng tỉnh táo. Thấy chúng tôi đứng ghi phiếu giữ xe, nhiều nhân viên Công ty V. hỏi lớn: “Hôm nay lại có nữ vệ sĩ mới à?”. Nghe đâu cách đây không lâu, có một nữ bảo vệ xin vào làm việc nhưng chỉ có hai ngày là biến mất. Đồng nghiệp của chúng tôi là hai nhân viên nam tuổi đời còn khá trẻ, tướng tá cũng nhỏ thó (khác xa với vệ sĩ trong phim) hướng dẫn công việc một cách nhiệt tình. Ca làm dự định 12 tiếng nhưng thời gian rảnh rỗi hơi bị nhiều nên chúng tôi cứ ngáp ngắn ngáp dài. Ghi phiếu xe xong thì vào ngồi ở phòng trực ban để chờ xe ra, xe vào ghi vào sổ. Chỉ có vài tiếng thôi, chúng tôi bắt đầu thấy lờ đờ. Giờ mới thấm thía cái cảnh nhàn quá cũng chán, vì không được ngủ, không được làm gì, cứ thế ngồi đếm thời gian trôi. Vậy mà theo hai em đồng nghiệp (làm việc ở đây vài tháng) thì tụi nó có thể thay phiên nhau túc trực đến 24 giờ để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Công ty V. cho một công ty khác thuê mặt bằng nên có thêm một đội ngũ bảo vệ khác. Qua tiếp xúc với một vệ sĩ của Công ty N.C.T (chàng này cao cũng chưa đầy 1,6m), chúng tôi mới biết khi vào xin việc phải đóng rất nhiều loại tiền: tiền trang phục, tiền đào tạo (nhưng thật ra cũng không chú trọng gì mấy), tiền phòng cháy chữa cháy… Ra vẻ hiểu chuyện, chàng ta bảo: “Thật ra người ta nhận mình cũng là cách để thu lợi về cho công ty”.

Dù chỉ có nửa ngày làm vệ sĩ, chúng tôi cũng mệt nhoài vì cơ bản là… không làm gì hết. Cũng may là chưa xảy ra bất cứ tai nạn nào chứ nếu không những người vệ sĩ được đào tạo trong vòng vài giờ như chúng tôi làm sao biết sơ cứu nạn nhân, bảo vệ khách hàng.

Tràn lan Công ty vệ sĩ

Tại Việt Nam, nghề vệ sĩ khá “hút hàng” trong thời gian gần đây. Vì thế, càng ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này ra đời. Theo quy trình tuyển dụng, thể hình tốt, trẻ, khỏe chính là điều kiện tiên quyết để xin vào các công ty vệ sĩ. Khi đã qua vòng sơ tuyển, các ứng viên sẽ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp theo một giáo trình riêng diễn ra từ 2 đến 3 tháng, thậm chí nhiều hơn thế. Trong khoảng thời gian này, các học viên sẽ được trang bị một số điều căn bản, từ trình độ võ thuật đến những kiến thức tổng quan về luật (luật hình sự, luật lao động…), cách thức làm việc (viết báo cáo, ghi chép điều tra, thẩm vấn, sử dụng máy móc) cùng với phương pháp bảo vệ, tự vệ, phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là công tác sơ cấp cứu. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, các học viên sẽ được phân công về các “mục tiêu” để thực nghiệm. Đến khi chính thức được tuyển dụng vào một công ty nào đó thì họ trở thành vệ sĩ đích thực.

Được biết, nghề vệ sĩ xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng giữa thập niên 90. Đầu tiên là Công ty Dịch vụ bảo vệ Việt Nam Thăng Long Sepre 24. Tiếp theo đó, khoảng năm 1995, một vị tướng về hưu đứng ra thành lập Công ty Long Hải, chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp. Bước đầu, dù có ít công ty cung ứng vệ sĩ được thành lập nhưng chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu. Càng về sau khi sự phát triển của nền kinh tế với nhu cầu ngày càng lớn về một dịch vụ chuyên trách bảo vệ tài sản, bảo vệ con người, cộng thêm tình hình kinh doanh dịch vụ vệ sĩ có vẻ khấm khá, hàng loạt công ty ồ ạt ra đời. Hình ảnh các nhân viên làm Dịch vụ bảo vệ, gọi cho sang là “vệ sĩ” đã trở nên quen thuộc. Đi đến đâu (từ siêu thị, nhà hàng, quán nước, công ty…), chúng ta đều có thể thấy vệ sĩ làm nhiệm vụ.

Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, TP. Hồ Chí Minh hiện có 453 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh Dịch vụ bảo vệ với tổng số người tham gia hoạt động khoảng 15.000 người, trong số đó nhân viên bảo vệ chiếm trên 14.000 người (so với thời điểm năm 2002 chỉ có khoảng 6 doanh nghiệp). Giám đốc của một công ty vệ sĩ chia sẻ: “Để đáp ứng nhu cầu xã hội, tức là ngày càng nhiều các công ty, doanh nghiệp, thậm chí là cá nhân muốn bảo vệ tài sản, bảo vệ con người, dịch vụ bảo vệ ra đời như một xu hướng tất yếu”.

Thật ra, từ “vệ sĩ” ở các nước châu Âu được sử dụng đúng nghĩa, riêng ở Việt Nam, từ này gọi cho… oách nhưng thực chất đồng nghĩa với nhân viên bảo vệ hơn. Họ xuất hiện ở nhiều nơi với các kiểu trang phục đa dạng. Nhìn chung, trang phục được đầu tư kỹ lưỡng với đủ phong cách. Tương tự, giáo trình và thời hạn đào tạo đội ngũ vệ sĩ cũng không tuân theo bất kỳ quy chuẩn nào. Khi được cấp phép thành lập công ty Dịch vụ bảo vệ, bản thân doanh nghiệp lại chính là nơi đào tạo và tự cấp chứng chỉ. Vì thế, việc đào tạo thế nào là tùy theo ngẫu hứng. Theo quan sát của chúng tôi, ngoại trừ một số công ty có tiếng trên thị trường, số đông còn lại là đào tạo qua loa, đại khái để nhanh chóng kiếm việc cho vệ sĩ. Ngoài hai đối tượng chính được ưu tiên là bộ đội xuất ngũ và công an phục viên, các công ty tuyển dụng còn chú trọng tuyển dụng các võ sĩ hoặc các học viên trường thể thao. Nhưng trước thực trạng các công ty Dịch vụ bảo vệ mọc lên một cách tự phát như hiện nay thì vấn đề tuyển dụng vệ sĩ bị buông lỏng một cách đáng báo động. Nếu không giáo dục họ về đạo đức nghề nghiệp cũng như kiến thức pháp luật thì từ “vệ sĩ” đến “côn đồ” chỉ trong tích tắc.

Vệ sĩ gây án

(CATP) Hiện nay có nhiều Công ty dịch vụ bảo vệ làm ăn theo kiểu manh mún. Phần lớn đều tuyển dụng nhân viên bảo vệ chưa đầy đủ tiêu chuẩn, thiếu sót trong khâu kiểm tra hồ sơ, không huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ bài bản. Nhiệm vụ của các doanh nghiệp này chỉ đơn giản là nhận người vào làm, càng nhiều càng tốt, rồi phân bổ công việc ngay. Họ cố tình bỏ qua nhiều công đoạn trong khâu đào tạo. Bên cạnh đó, việc đầu tư nghiên cứu thực hiện văn bản pháp luật ở nhiều doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Đó là một trong những lý do dẫn đến những mặt trái trong nghề vệ sĩ. Nhiều người đã lợi dụng việc làm này để gây ra các hành vi phạm pháp như trộm, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ phạm pháp hình sự mà kẻ phạm tội lại là các nhân viên bảo vệ, vệ sĩ. Dẫu còn khá trẻ nhưng Huỳnh Thị Kim Hân (SN 1988, ngụ Phú Yên) đã ra tay sát hại người tình khi cả hai đang xảy ra cự cãi tại phòng trọ thuộc xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vào 21 giờ 20 ngày 13-1-2013. Nạn nhân đã tử vong ngay sau đó. Được biết, Hân là nhân viên của một công ty dịch vụ bảo vệ. Trước đây, trong thời gian nhận nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch, cả hai nảy sinh tình cảm rồi thuê phòng trọ ở chung. Do ăn chơi trác táng, Đỗ Văn Huyên (SN 1987, ngụ Thanh Hóa) – nhân viên bảo vệ quán Đồng Xuân 2 (P.Thới An, Q12) chuẩn bị sẵn mũ bảo hiểm cảnh sát, bộ quần áo dân quân tự vệ, dùi cui và đèn pin rồi rủ Thắng (sinh viên – bạn cùng quê) giả danh cảnh sát hình sự đi chặn đường, cướp xe máy của ông Nguyễn Văn Hà (SN 1965, ngụ xã Đông Thạnh, Hóc Môn) đang chở bạn lưu thông trên đường Lê Văn Khương. Chúng đã bị CA xã Đông Thạnh bắt giữ khi đang trên đường tuần tra… Trong thời gian làm nhân viên bảo vệ tại karaoke Kim Ngân ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang do bà Nguyễn Ngọc (SN 1959, quốc tịch Mỹ) làm chủ, Nguyễn Hữu Hạnh (SN 1985, ngụ Tiền Giang) nảy sinh ý định cướp tài sản của bà Ngọc. Thấy  bà Ngọc có nhiều nữ trang và tiền bạc, Hạnh liền lên kế hoạch ra tay. Một ngày nọ, hắn đeo khẩu trang và đội nón che kín mặt rồi đột nhập vào nhà bà Ngọc, dùng dao khống chế trói bà lại, sau đó lục soát lấy 7,6 triệu đồng, một chiếc vòng, một chiếc nhẫn (khoảng1,1 lượng vàng 18 kara) và một ĐTDĐ. Qua điều tra truy xét, CA tỉnh Tiền Giang đã bắt giữ Hạnh về hành vi “cướp tài sản”.

Mới đây, CATP Đà Nẵng vừa bắt giữ sáu đối tượng thực hiện hàng loạt vụ trộm tài sản hết sức nghiêm trọng tại Cty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam đóng tại KCN Hòa Khánh, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng. Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Xuân Đường (SN 1987), Trần Quang Hùng (SN 1990), Dương Văn Dũng (SN 1989), Nguyễn Văn Minh (SN 1986), Nguyễn Văn Mạnh (SN 1986) đều khai nhận, chúng là nhân viên Cty TNHH MTV dịch vụ bảo vệ Cao Đạt –  đơn vị hợp đồng bảo vệ tại Cty Mabuchi. Trong thời gian làm bảo vệ tại đây, bọn chúng đã thông đồng với Lê Thế Dương (SN 1990) năm lần đột nhập vào nhà kho Cty Mabuchi trộm sợi dây đồng thành phẩm mang đi bán cho cơ sở thu mua phế liệu lấy 138 triệu đồng chia nhau tiêu xài.

Một thực tế đáng bàn là nhiều đơn vị có nhu cầu sử dụng Dịch vụ bảo vệ nhưng không để tâm đến việc tìm hiểu xem họ có đủ năng lực đáp ứng công việc hay không. Sự lơ là trong công tác tuyển dụng vệ sĩ từ các Cty Dịch vụ bảo vệ đã khiến tình trạng nhân viên bảo vệ sai phạm ngày càng nhiều hơn. Điển hình nhất là vụ nhân viên bảo vệ hành hung đánh người từng gây chấn động dư luận tại TP.HCM. Cùng là nhân viên bảo vệ của Công ty TNHH – dịch vụ môtô Thành Công được giao trách nhiệm vụ giữ gìn ANTT, trông giữ xe cho quán cơm Minh Đức trên đường Tôn Thất Tùng, P.Phạm Ngũ Lão (Q1), trong một lần mâu thuẫn với khách hàng Lê Văn Ngai (62 tuổi, quốc tịch Hà Lan), Bùi Đình Hoàng (SN 1988, ngụ Q.Tân Bình), Dương Trọng Ngãi (SN 1991, quê Trà Vinh), và Nguyễn Minh Dương (SN 1979, quê Long An) đã xông vào đánh đập và dùng roi điện chích ông Ngai gây thương tích nghiêm trọng. Sau đó, chúng đã bị TAND TPHCM tuyên phạt mỗi tên 9 tháng tù giam về tội “cố ý gây thương tích”… Cũng do bản tính côn đồ hung hãn, Lê Hoàng Hân (SN 1978) và Thái Hữu Tùng (SN 1989, cùng tạm trú Q12) – là nhân viên bảo vệ của Cty dịch vụ bảo vệ Đại Hiệp tại P10, Q.Gò Vấp) đã buộc nhân viên quán Ốc Long, P7, Q.Gò Vấp cho vào nhậu dù quán đã đóng cửa khiến hai bên nảy sinh mâu thuẫn. Chúng bắt anh Nguyễn Văn Toàn (SN 1989, ngụ Đồng Nai, nhân viên của quán) phải quỳ xuống xin lỗi vì đã trót… vô lễ với chúng. Anh Toàn không đồng ý liền bị Tùng nhào tới đánh và lấy ly bia đập vào đầu. Dã man hơn, hắn còn ra chỗ bếp lấy cục than nóng ném vào đầu anh Toàn, rất may anh né kịp. Chưa hả giận, Tùng tiếp tục dồn anh Toàn vào góc tường đánh đập rồi với lấy cái kéo đang để ở quầy nướng gây thương tích khiến anh Toàn tử vong. Gây án xong, cả hai nhanh chóng tẩu thoát. Khoảng 10 phút sau, khi quay trở lại quán tìm chiếc ĐTDĐ bị mất, chúng đã bị nhân viên bắt giữ giao công an. Tiến hành khám xét công ty – nơi chúng đang làm việc, cơ quan chức năng thu giữ một số công cụ hỗ trợ không được cấp phép như roi điện, gậy sắt, hồ sơ quản lý nhân viên không rõ ràng…

Thực tế, các vụ án do vệ sĩ gây ra rất nhiều, trên diện rộng, mức độ nhẹ thì thô lỗ với khách hàng, trộm cắp tài sản, nặng thì hành hung, gây thương tích dẫn đến tử vong. Có nhiều vụ vệ sĩ còn lên kế hoạch “hoàn hảo” để bắt cóc tống tiền con người chủ đã thuê chúng gây bức xúc trong dư luận. Có lẽ chính những cuộc tuyển dụng ồ ạt và sự xem nhẹ chất lượng đào tạo đã cho ra đời hàng loạt những kẻ côn đồ khoác trên mình bộ cánh của vệ sĩ, coi thường luật pháp.

Làm ăn manh mún

Vì sao sau này các công ty DVBV mọc lên như nấm? Tất cả chỉ vì lợi nhuận. Trừ những Cty có tiếng trên thương trường về sự chuyên nghiệp, có tâm huyết với nghề cho ra đời những vệ sĩ đúng nghĩa, số còn lại chỉ là kiểu kinh doanh tạm bợ, làm ăn kiểu chụp giựt. Hãy xem cái cách mà các Cty đó tuyển người và đào tạo: bất kể tuổi tác, bất kể ngoại hình, bất kể bằng cấp, bất kể xuất thân… cứ đến xin là có việc. Hồ sơ nhân thân lai lịch, tình trạng sức khỏe thế nào Cty cũng không hề quan tâm. Vệ sĩ được nhận việc rốt cuộc cũng không khác gì một người dân bình thường khi quy trình đào tạo cơ bản chẳng có. Để rồi, các Cty cứ nhận lấy người rồi phân bổ tùm lum. Kết quả là ai thích làm thì làm, ai thích nghỉ Cty cũng chẳng biết mà cũng chẳng bận tâm. Sau vài tháng làm việc, một vệ sĩ thẳng thừng nói: Thật ra Cty DVBV có lợi trăm bề, nào là các khoản chi phí thu của nhân viên, rồi ký hợp đồng với các Cty thuê người với giá cao nhưng trả lương với giá thấp. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến Cty vệ sĩ nở rộ một cách khó kiểm soát. Thấy ngon ăn, một số người “tay mơ” cũng chuyển sang mở Cty DVBV nên đã xảy ra nhiều chuyện bi hài. Có doanh nghiệp chuyên thu nạp các vệ sĩ bị sa thải ở các công ty khác để khỏi mất phí đào tạo. Nhiều doanh nghiệp thì cứ thông báo tuyển người ồ ạt để thu lợi nhuận từ phí đào tạo (khoảng vài triệu đồng) chứ chẳng nhắm vào mục đích cung cấp dịch vụ bảo vệ cho khách hàng.

Rõ ràng, việc ra đời các Cty DVBV kiểu này để lại rất nhiều hệ quả cho xã hội. Không ít doanh nghiệp tuyển dụng đề ra tiêu chuẩn nhân viên rất thấp, đã dẫn đến thực trạng nhiều bảo vệ vốn không đủ chuẩn mà còn cư xử thiếu văn hóa với khách hàng. Đến khi xảy ra sự cố thì bản thân các doanh nghiệp cung cấp vệ sĩ cũng tìm mọi cách né tránh vấn đề trách nhiệm, gây ra những vụ lùm xùm tai tiếng, chẳng hạn như các vụ làm mất xe của khách trong thời gian gần đây. Lợi thì hưởng hết, nhưng đến khi ký hợp đồng chính thức với nhân viên, nhiều Cty DVBV còn thòng vào một câu: nếu để xảy ra thất thoát tài sản, bản thân nhân viên phải chịu toàn bộ trách nhiệm hoặc phần lớn trách nhiệm. Thêm một điều đáng nói, mặc dù Nghị định 52/CP quy định buộc những doanh nghiệp kinh doanh DVBV phải ký quỹ vốn pháp định  và duy trì trong suốt quá trình hoạt động, tuy nhiên, qua một thời gian hoạt động, các doanh nghiệp này đã rút một phần hoặc toàn bộ số vốn, không thực hiện đúng quy định.

Sau khi thâm nhập vào làm vệ sĩ, chúng tôi cứ thắc mắc mãi vì sao những Cty thuê người lại giao trắng toàn bộ trách nhiệm cho các Cty DVBV mà không có bất cứ một ràng buộc nào. Việc làm của vệ sĩ phụ thuộc toàn bộ vào Cty DVBV nên cũng không cố định một chỗ. Có khi sáng làm ở Cty này, chiều được điều đến một Cty khác, và tối lại ở một chỗ khác nữa. Do đó, nhiều vấn nạn xảy ra như mất trộm tài sản cũng là điều dễ hiểu.

Tóm lại, dù đã trở thành một nghề nhưng trong hệ thống trường nghề của cả nước đều chưa có một chương trình đào tạo bài bản, cũng như một chứng chỉ nghề được công nhận theo đúng tiêu chuẩn “vệ sĩ” của Việt Nam. Đó chính là lý do khiến Cty DVBV mọc lên ào ạt và vệ sĩ cũng đông đúc, bát nháo không kém.

Theo (CA TP.HCM)

HOTLINE: 0938 307 662

error: Content is protected !!