(ANTĐ) – Dịch vụ vệ sỹ chuyên nghiệp đã có mặt tại nước ta khoảng 20 năm trước. Những người làm công tác bảo vệ đã và đang trở thành một phần quan trọng không thể thiếu tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn… Trong mắt những người dân, nghề vệ sỹ luôn gắn liền với những hiểm nguy, và có khi còn nguy hiểm đến cả tính mạng. Nhưng hiện nay, việc xuất hiện quá nhiều trung tâm đào tạo vệ sỹ, kéo theo đó là những người vệ sỹ không đủ tư cách đạo đức và nghiệp vụ, đã dần xóa đi phần nào hình ảnh tốt đẹp của người vệ sỹ…
Những hình ảnh nhạt phai
Khi nghề vệ sỹ mới được du nhập vào Việt Nam, hình ảnh những anh chàng cao, to, trông rất rắn rỏi… luôn có mặt tại những vị trí quan trọng của khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp… đã để lại những ấn tượng ban đầu tốt đẹp cho người dân. Theo thời gian, cùng với nhu cầu của xã hội, nghề vệ sỹ, bảo vệ càng phát triển hơn trước gấp nhiều lần. Ngày trước, có lẽ chỉ những mục tiêu lớn như doanh nghiệp, khách sạn tầm cỡ… mới thấy bóng dáng của những anh chàng vệ sỹ. Còn ngày nay, không khó để bắt gặp những người vẫn đang âm thầm, quan sát, bảo vệ cho khách hàng.
Một phần do sự phát triển nhanh của xã hội đòi hỏi phải có một lực lượng lớn những người làm công tác trật tự nhằm hỗ trợ cho lực lượng chức năng phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. Thêm vào đó, ngày càng nhiều các doanh nghiệp, các cá nhân có nhu cầu về bảo vệ tài sản, bảo vệ con người trong khi lực lượng bảo vệ chính quy chỉ có ở cơ quan công quyền. Để đáp ứng nhu cầu đó, dịch vụ bảo vệ đã ra đời như một xu hướng tất yếu.
Thế nhưng tốc độ phát triển của dịch vụ này quá nhanh dẫn đến việc hoài nghi về chất lượng của các dịch vụ. Năm 1995, chỉ có 1 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ bảo vệ, đó là Công ty Long Hải. Chỉ vài năm sau, đến năm 2001 con số này đã lên đến 6. Năm 2003, 2004 đã lên đến hơn 15 doanh nghiệp. Tới năm 2005, chỉ tính riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đã có đến 103 doanh nghiệp. Con số đó tiếp tục tăng chóng mặt, cho đến trước thời điểm năm 2008 khi Nghị định số 52/2008/NĐ-CP của Chính phủ ra ngày 22-4-2008 về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ, cả nước có tới gần 300 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
Việc phát triển nhanh chóng mà không có sự đầu tư, quản lý dẫn tới tình trạng không đảm bảo được chất lượng của đội ngũ vệ sỹ này. Thậm chí có nhiều vệ sỹ đã vi phạm pháp luật, thậm chí phạm tội. Việc tuyển người, đào tạo nhân viên vào vị trí vệ sỹ bảo vệ thật sự không hề dễ dàng, dẫn đến việc có những người vệ sỹ đã không đủ tư cách đạo đức, cũng như không tốt về nghiệp vụ, đã làm mờ đi hình ảnh tốt đẹp của nghề vệ sỹ trong con mắt của người dân. Và hiện nay, những vụ việc vệ sỹ bảo vệ, hành hung tấn công những người khác, vượt xa thẩm quyền chức năng của họ đã không còn là chuyện quá mới mẻ.
Vào hồi 2h20 phút ngày 5-7-2010, anh Vũ Đức Ngọc (SN 1979), trú tại Nguyên Khê, huyện Đông Anh) là lái xe cho công ty Tùng Chiến đi qua đường Đông Trù (thuộc địa phận huyện Đông Anh) thì bị Nguyễn Ngọc Thành (SN 1984) là giám đốc công ty vệ sỹ KFC, có nhà ở gần đường chặn đầu xe và bắt xe của anh Ngọc phải dừng lại. Với lý do khó chịu vì tiếng còi của xe anh Ngọc, Thành đã dùng súng bắn đạn cao su đánh vào đầu anh Ngọc gây thương tích. Ngay sau khi sự việc xảy ra, công an huyện Đông Anh đã tạm giữ Thành, thu giữ khẩu súng bắn đạn cao su cùng 3 viên đạn.
Bên cạnh việc tấn công, đánh người gây thương tích, nhiều vụ án có bảo vệ tại các khu công nghiệp cấu kết, móc nối với các đối tượng bên ngoài để trộm cắp tài sản tại nơi được phân công bảo vệ liên tiếp xảy ra. Lợi dụng những sơ hở trong công tác bảo vệ, nhiều vệ sỹ đã câu kết, móc nối với những đối tượng bên ngoài trộm cắp ngay tại nơi được phân công bảo vệ.
Cuối tháng 6-2009, Công ty ASTI, là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của nước ngoài, hoạt động kinh doanh sản xuất các loại thiết bị điện tử tại khu Công nghiệp Quang Minh, xã Quang Minh, huyện Mê Linh (Hà Nội) phát hiện mất 2 cuộn dây cáp điện, tổng trị giá hơn 35 triệu đồng, đã trình báo công an sở tại. Đến tận cuối tháng 8, đầu tháng 9, khi thu phạm được xác định, không ai có thể ngờ đó chính là công nhân và bảo vệ tại công ty. Nắm được sơ hở tại công ty, 3 công nhân của Công ty ASTI là Vũ Ngọc Phương (SN 1983), trú tại huyện Nam Trực (Nam Định); Phùng Văn Khánh (SN 1982), trú tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và Đỗ Trọng Đại (SN 1979), trú tại huyện Phù Cừ (Hưng Yên) đã liên kết với 2 bảo vệ là Trương Văn Luân (SN 1975), trú tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) và Nguyễn Chiến Thắng (SN 1974), trú tại huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) phối hợp, thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của Công ty Asti.
Theo đó thì vào đêm 21-6-2009, Khánh ngắt điện, sau đó điện thoại cho Đại và Phương đến công ty. Đại đưa chìa khóa phòng kỹ thuật thang máy cho Phương mở để trộm cắp 2 cuộn dây cáp điện, rồi đưa ra xe ôtô của một đối tượng đang chờ sẵn ngoài cổng.
Trao đổi với thượng tá Nguyễn Ngọc Anh, Phó trưởng Công an huyện Mê Linh Hà Nội cho biết: “từ năm 2009 cho đến nay, toàn khu công nghiệp Quang Minh đã xảy ra 8 vụ trộm cắp tài sản. Trong đó có 3 vụ có sự tham gia cấu kết của các vệ sỹ do doanh nghiệp thuê làm công tác bảo vệ. Ông cũng cho biết thêm: “Loại hình dịch vụ vệ sỹ chuyện nghiệp đang dần khẳng định được tính thiết yếu và chỗ đứng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thế nhưng song song với đó, các cơ quan chức năng cần đưa loại hình dịch vụ này vào quản lý chặt chẽ hơn, nhất là trong khâu tuyển chọn và đào tạo”.
Siết chặt khâu quản lý
Để tìm hiểu việc đào tạo và quản lý vệ sỹ hiện nay, nhóm phóng viên đã tìm hiểu một số trung tâm đào tạo và kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Trong đó phải nói đến, Võ đường Ngọc Hòa hiện là một trong những công ty uy tín về đào tạo và cung cấp dịch vụ vệ sỹ ở Việt Nam.
Khác xa với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi là học võ, tập võ mà nhất là chủ một võ đường phải có một hình thể cao, to… hay một phong thái nghiêm nghị, khó tính, khô khan… Anh Nguyễn Việt Hòa – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Võ đường Ngọc Hòa lại có dáng người nhỏ bé thư sinh và một tính cách vui vẻ hòa đồng.
Khi được hỏi về việc đào tạo vệ sỹ chuyên nghiệp, anh Hòa chia sẻ: “Vệ sỹ, bảo vệ của tập đoàn chúng tôi được tuyển chọn từ những người có năng lực, sức khỏe, hay những mông sinh ưu tú được tuyển chọn từ hơn 29 nghìn môn sinh của võ đường. Các vệ sỹ luôn giữ một dáng vẻ nhanh nhẹn, thông minh, và được đào tạo để xử lý các tình huống về an ninh trật tự, và có kinh nghiệm, chuyên môn cao về nghiệp vụ”.
Vấn đề đào tạo luôn là quan trọng nhất ảnh hưởng lên tính cách và sự thành bại của người vệ sỹ. Anh Hòa cho hay, các trung tâm uy tín luôn đào tạo vệ sỹ đầy đủ và toàn diện về phòng cháy chữa cháy, võ thuật, sơ cấp cứu, luật hình sự, luật dân sự… Ngoài ra vệ sỹ còn được rèn luyện về thể lực, điều lệnh, ngoại ngữ, giao tiếp ứng xử…
Các vệ sỹ tại trung tâm còn phải qua một lớp nghiệp vụ bảo vệ, sau đó mới được đi làm ngoài thực tế. Thế nhưng theo Nghị định số 52/2008/NĐ-CP của Chính phủ ra ngày 22-4-2008 về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ, bảo vệ chỉ cần có 3 tháng đào tạo là có thể đi làm. Trong 3 tháng, để đào tạo được tất cả các nội dung là một việc vô cùng khó khăn.
Tiếp xúc với một vệ sỹ lâu năm tại Võ đường Ngọc Hòa, anh Nguyễn Văn Trung, 25 tuổi, quê Nghệ An, chúng tôi được biết thêm về sự gian khổ của nghề vệ sỹ: “Từ bé, qua truyền hình, tôi đã yêu thích hình tượng người chiến sỹ công an bảo vệ bình yên cho xã hội. Nhưng do điều kiện, tôi không thể thực hiện được ước mơ đó. Tôi đã tìm đến nghề vệ sỹ, vì suy cho cùng, nghề vệ sỹ cũng góp phần bảo vệ trật tự an ninh cho từng mục tiêu, cho xã hội.
Được đào tạo 3 tháng, cộng với những kinh nghiệm trong khoảng thời gian 4 năm theo nghề, hầu hết trong công việc tôi tránh không để những sai xót xảy ra, và nếu gặp những trường hợp khó khăn, cần sự nhanh nhạy, tôi cũng đã tự đưa ra những quyết định để giải quyết sự việc đó”. Tuy nhiên, như bao người khác, nỗi lo cơm, áo, kinh tế luôn là ưu tiên hàng đầu của anh. Dù yêu nghề, tâm huyết, nhưng vấn đề về kinh tế luôn ảnh hưởng đến người vệ sỹ. Theo anh, những vệ sỹ vi phạm pháp luật, nhất là hành vi trộm cắp phần lớn là do có thu nhập quá thấp, không đủ sống.
Hiện nay, các trung tâm đào tạo vệ sỹ liên tục tuyển sinh, không khó để tìm kiếm những thông tin này trên mạng Internet. Công ty cổ phần TM-DV Bảo vệ Long Hải đã được thành lập cách đây 15 năm. Vốn có những kinh nghiệm lâu năm trong nghề nên việc tuyển chọn của công ty Long Hải có phần khắt khe và đầy đủ hơn. Ngoài những chỉ số cân nặng, chiều cao định mức được đề ra, ban tuyển dụng công ty Long Hải còn trú trọng đến tác phong giao tiếp, hình thức bên ngoài như: không có dị tật, không xăm trổ… và phải tốt nghiệp PTTH trở lên mới có thể được xét tuyển. Hiện nay, đó cũng là tiêu chí của những doanh nghiệp lớn tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ. Công tác đạo tạo tại các trung tâm này luôn được đảm bảo có sự đôn đốc, hướng dẫn của các cơ quan công an. Bên cạnh đó luôn chú trọng đào tạo tư cách đạo đức cho mỗi cá nhân vệ sỹ.
Kể từ sau Nghị định 52 của Chính phủ về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ, rất nhiều công ty trong lĩnh vực này đã phải ngừng hoạt động do quy mô nhỏ lẻ, kinh doanh theo kiểu mùa vụ, không đáp ứng điều yêu cầu bắt buộc về vốn (trên 2 tỷ đồng). Bên cạnh đó, việc quy định người đứng đầu công ty phải có bằng về kinh tế hoặc luật từ cao đẳng trở lên cũng là một biện pháp hữu hiệu nhằm đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ vào khuôn khổ. Nhưng chỉ tính riêng tại Hà Nội, con số hơn 1 vạn vệ sỹ cũng khiến không ít người giật mình. Liệu chăng, đã đến lúc việc đào tạo vệ sỹ phải thật sự chặt chẽ hơn, đòi hỏi cao hơn cho một ngành nghề nhiều nhạy cảm như vậy.
Hoàng Trung – Nguyễn Đệ