Vệ sĩ cho “sao”

Danh từ “Vệ sĩ” đã trở nên quen thuộc với mọi người, nhất là với các ca sĩ, nghệ sĩ, khách VIP. Hình ảnh những anh chàng vệ sĩ cao to, đẹp trai, mặt “lạnh như tiền” không thể thiếu trong các cuộc trình diễn nghệ thuật, đón tiếp các ngôi sao nước ngoài và các chương trình ca nhạc lớn trong nước. Nhìn họ đi kèm sát các “sao”, không ít người tỏ ra ngưỡng mộ và cũng rất nhiều người thấy khó chịu, bực mình…

Vệ sĩ hay bảo vệ

Hiện nay, chỉ tính riêng khu vực phía Nam đã có gần 40 đơn vị lớn nhỏ đăng ký dịch vụ cung cấp vệ sĩ. Được biết đến nhiều nhất hiện nay có: Công ty Liên doanh dịch vụ bảo vệ Yuki Sepre 24 Co., Công ty Thăng Long, Công ty Long Hải, Công ty T&T… Thực chất, công việc chính của các công ty cung cấp vệ sĩ là cung cấp  đội ngũ bảo vệ cho các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và cả những hộ gia đình có nhu cầu cần người bảo vệ cho gia đình mình.

Vệ sĩ là một trong những công việc của người bảo vệ, với đặc thù chính là theo hộ tống chính khách, các nghệ sĩ, ca sĩ ngôi sao với nhiệm vụ nhằm ngăn ngừa những phần tử quá khích, những fan hâm mộ cuồng nhiệt, thái quá và nếu cần họ sẵn sàng xả thân cho thân chủ của mình. Nhưng ở ta, xem chừng danh từ vệ sĩ có hấp lực và bóng bảy hơn danh từ bảo vệ nghe có vẻ dân dã quá, nên hầu hết các công ty khi thành lập đều lấy tên gọi “Công ty cung cấp dịch vụ vệ sĩ…” (thay vì phải là Công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ…). Chẳng ai bắt bẻ về câu chữ khi mà các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ này đều có những cái tên rất kêu, cùng những bộ đồng phục cắt may hợp thời trang lại có đủ cả mũ mão, phù hiệu, cầu vai trông bề ngoài rất oách, nên với mọi người vệ sĩ hay bảo vệ gì cũng vậy mà thôi. Thực chất, nghề vệ sĩ đòi hỏi cao hơn: cả phần kiến thức, võ nghệ lẫn việc phải tạo bề ngoài có thế “áp đảo” từ cái nhìn đầu tiên, khiến những kẻ quá khích mới nhìn qua đội ngũ vệ sĩ đã phải từ bỏ ý định không tốt với người được bảo vệ.

Vệ sĩ  cho “sao” ngoại

Các ngôi sao nước ngoài khi đến Việt Nam tham gia trong một chương trình nào đó, đều yêu cầu có vệ sĩ của ta đi theo bảo vệ. Tùy theo yêu cầu của đơn vị thuê vệ sĩ, có khi vệ sĩ chỉ phải đón họ từ sân bay đưa về khách sạn và theo sát họ trong quá trình tập luyện, biểu diễn. Nhưng cũng có khi, vệ sĩ phải bảo vệ cho các “sao” 24/24 giờ. Đợt danh thủ bóng đá David Beckham có mặt tại TP.HCM chỉ có một ngày, Công ty T&T đã cử 4 vệ sĩ túc trực ngày đêm để bảo vệ cho cầu thủ này. Ngoài 4 vệ sĩ thường xuyên có mặt bên cạnh Beckham, khoảng vài chục vệ sĩ khác bảo vệ vòng ngoài để đảm bảo không có fan hâm mộ nào có thể đến quá gần danh thủ này. Khi xe hơi Beckham chạy quanh khán đài SVĐ Quân khu 7 để chào khán giả, 4 chàng vệ sĩ to con, mặc veston đen, mang kính đen trông rất “ngầu” cũng phải… chạy bộ theo xe. Đơn vị có nhiều kinh nghiệm nhất trong công việc làm vệ sĩ cho “sao” ngoại (và cả “sao” nội), đó là Công ty Liên doanh dịch vụ bảo vệ Yuki Sepre. Là một trong số công ty được  thành lập sớm nhất, Yuki Sepre đã có những hợp đồng làm vệ sĩ cho những “sao” ngoại đầu tiên đến TP. Mở đầu là ca sĩ Hồng Công Lê Minh, sau đó là diễn viên Hàn Quốc Jang Dong Gun, Kim Nam Joo, hai diễn viên Trung Quốc Triệu Vy – Lâm Tâm Như, ca sĩ – diễn viên Cổ Thiên Lạc… và mới đây nhất là diễn viên – ca sĩ Singapore Phạm Văn Phương. Dàn vệ sĩ chủ lực của Yuki gồm 12 người. 4 người kèm sát “sao”, số người còn lại làm thành barie bảo vệ vòng ngoài. Làm vệ sĩ cho những nhân vật nổi tiếng này không dễ dàng chút nào. Khi theo bảo vệ cho Jang Dong Gun, Phạm Văn Tịnh – một vệ sĩ của Yuki bị  một khán giả nữ níu xuống… cắn vì anh cản đường không cho cô tới gần diễn viên này. Còn theo anh Huỳnh Bá Đạt cũng là vệ sĩ của Yuki thì: “Bảo vệ cho các “sao” nam khó khăn vất vả hơn các “sao” nữ nhiều. Những nam tài tử, ca sĩ nổi tiếng của nước ngoài khi đến VN, bao giờ cũng nhận được sự hâm mộ cuồng nhiệt của các fan nữ. Với gần 10 năm trong nghề vệ sĩ, anh Lê Tự Quốc Hùng (Yuki) nhận xét: “Công việc của người vệ sĩ vất vả, nhưng đem lại cho chúng tôi cảm giác rất vui”.

Đến “sao” nội

Nếu bảo vệ cho “sao” ngoại, vệ sĩ phải túc trực ngày đêm và luôn ý thức giữ thể diện của nước chủ nhà, thì với “sao” nội, mọi chuyện có phần đơn giản hơn. Vệ sĩ chỉ phải giúp “sao” vào và ra điểm diễn được an toàn, không bị khán giả lôi kéo. Nhưng không vì thế mà công việc của vệ sĩ nhẹ nhàng hơn. Có nhiều “sao” rất thích phô trương thanh thế, đánh bóng hình ảnh nên bắt vệ sĩ phải kè kè theo mình, nhưng lại luôn khuấy động ồn ào lôi kéo sự chú ý của khán giả, rồi tặng hình… báo hại vệ sĩ to con là thế cũng phải tả xung hữu đột đến mướt mồ hôi mới đưa được “sao” thoát khỏi vòng vây.

Cá biệt, có biên đạo – đạo diễn H.T, trong một chương trình ca nhạc đã nhất định không chịu đi vào sân mà bắt một vệ sĩ ra … bồng mình vào. Nhọc công nhất là theo bảo vệ cho các show diễn ở xa. Vệ sĩ thường xuyên phải đối mặt với những phần tử khán giả quá khích, trốn vé, ào đến rờ nắn, lôi kéo ca sĩ. Lúc đó, họ phải gồng mình chịu sự chửi bới, cào cấu, có khi phải đổ máu vì bị khán giả ném đá. Trong show ca nhạc “Tình 2000” tổ chức tại Nha Trang, Lê Quốc Khanh – vệ sĩ Yuki đã bị trặc chân chảy máu vì lãnh nguyên một cục đá to.

Còn anh Lê Tự Quốc Hùng mấy lần bị đòn gánh thúc vào lưng, vì anh không cho chị ta vào coi “cọp”. Ở ta, các ca sĩ, nghệ sĩ chưa có thói quen và thấy cần thiết phải thuê vệ sĩ cho riêng mình. Chỉ khi nào có show diễn lớn hoặc các ca sĩ khi tổ chức live show, đơn vị tổ chức mới có nhu cầu thuê mướn vệ sĩ.

Vệ sĩ là nghề vất vả, đòi hỏi phải có sức khỏe, có võ thuật và cả trình độ ngoại ngữ nhất định nên ở nước ta hiện nay đa phần chỉ có nam giới theo nghề này. “Không chỉ là uy tín mà giữ cho các “sao” được an toàn, góp phần làm cho chương trình thành công trọn vẹn, đó là niềm vui cùng chút tự hào mà nghề nghiệp đem lại cho người vệ sĩ” – anh Nguyễn Văn Tùng, tổng chỉ huy của Yuki Sepre đã có lần bộc bạch như thế.

TÙNG KHANH – SGGP

error: Content is protected !!